Tư vấn, đo lường sự phát triển của kinh tế số trong xây dựng
1. Đặt vấn đề
Hòa cùng xu thế phát triển của đất nước, ngành Xây dựng đang thúc đẩy phát triển kinh tế số, đây là bước “bứt khám phá” trong bối cảnh cuộc CMCN thứ tư. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ngành Xây dựng trong những thập niên tới.
Thúc đẩy kinh tế số được Bộ Xây dựng coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Cùng với đó, vấn đề tư vấn và các giải pháp ứng dụng kinh tế số giúp các doanh nghiệp xây dựng (DNXD) có cơ hội tiếp cận hiệu quả và tham gia vào nền kinh tế số; đồng thời bộ chỉ tiêu kinh tế số chung, bộ chỉ tiêu kinh tế số trong xây dựng và phương pháp đo lường phát triển của kinh tế số trong xây dựng cần được nghiên cứu triển khai.
2. Tư vấn phát triển của kinh tế số trong xây dựng
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng tăng nhanh, đòi hỏi các tổ chức, DNXD hoạt động theo mô hình truyền thống phải có sự thay đổi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Vấn đề được đưa ra là dịch vụ tư vấn và các giải pháp ứng dụng công nghệ giúp đỡ các tổ chức/DNXD, đặc biệt là các DNXD vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận hiệu quả và tham gia vào nền kinh tế số.
Một số tư vấn phát triển của kinh tế số trong xây dựng bao gồm:
2.1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào ba trụ cột
Để thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh hiện nay, ngành Xây dựng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cũng tập trung vào ba trụ cột:
2.1.1. Trụ cột thể chế
- Xây dựng nền kinh tế số đòi hỏi phải chấp nhận chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất, kinh doanh mới; do đó trước tiên phải đổi mới thể chế. Cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung khung thể chế và pháp lý phục vụ trực tiếp cho kinh tế số, cụ thể:
(i) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó đặc biệt ưu tiên việc sớm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số; (ii) Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật về tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông;
(iii) Điều chỉnh những chính sách về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ và tự do hóa thị trường nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những bước đột phá cho ngành Xây dựng trong quá trình chuyển đổi số.
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho ngành Xây dựng khi chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, áp dụng tài chính số, ngân hàng số: (i) Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh xây dựng số, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong hoạt động xây dựng;
(ii) Cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử trong hoạt động xây dựng; (iii) Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử của hoạt động xây dựng.
- Cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.
Điều này bao gồm: (i) Các chính sách tác động thuận lợi tới môi trường kinh tế kỹ thuật số, cũng như các chính sách thúc đẩy tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số ngành xây dựng với chi phí hợp lý;
(ii) Cải cách chính sách thuế và quy định thúc đẩy thu hút đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số ngành Xây dựng; (iii) Hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành Xây dựng do kết quả của các mô hình kinh doanh xây dựng mới.
- Cần cải cách quy định trong suốt hành trình hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số trưởng thành, vì nhiều công nghệ xây dựng và mô hình kinh doanh xây dựng mới sẽ mâu thuẫn, không còn phù hợp các quy định hiện hành.
2.1.2. Trụ cột hạ tầng số
- Xây dựng hạ tầng số quốc gia và hạ tầng số ngành Xây dựng phải đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh theo hướng làm chủ công nghệ lõi. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin và các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Trong đó: (i) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao. Nâng cấp mạng di động 4G, phát triển mạng di động 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới; (ii) Đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với internet tốc độ cao trong các hoạt động xây dựng;
(iii) Chiến lược cung cấp kết nối phải bao trùm nhất có thể, phổ cập internet cáp quang băng thông rộng tốc độ cao tới mỗi cơ sở; phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi DNXD; phổ cập công nghệ 4G, 5G tới mỗi cán bộ, công nhân, viên chức ngành xây dựng;
(iv) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia đầu tư nhưng có cân nhắc với các phạm vi nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia.
- Nhanh chóng nâng cấp và hoàn thiện nền tảng số phục vụ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính: (i) Xây dựng Chính phủ điện tử để giúp tăng hiệu quả dịch vụ công, đồng thời mở rộng thị trường xây dựng cho sự phát triển của ngành dịch vụ công nghệ thông tin;
(ii) Phổ biến, ứng dụng một số nền tảng số cho xây dựng chính phủ số hoạt động xây dựng và cho phép các tổ chức tư nhân khai thác nhằm tăng giá trị ứng dụng của giải pháp trong lĩnh vực xây dựng. [8]
- An ninh mạng và hoạt động mạng có vị trí quan trọng như nhau đối với các ngành, trong đó có ngành Xây dựng. Đây là một phần không thể thiếu trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng. Cần tăng số lượng máy chủ an toàn và phát triển khả năng bảo mật không gian mạng để giám sát các mối đe dọa trực tuyến.
Ngành Xây dựng cần tăng cường hợp tác quốc tế về các luồng dữ liệu, bảo mật, giảm các rào cản đối với thương mại trực tuyến trong và ngoài nước cũng như các quyền và sự đòi hỏi của công dân liên quan đến quyền riêng tư và lưu trữ dữ liệu.
2.1.3. Trụ cột nhân lực số
Nhân lực số là thành tố trung tâm của sự phát triển nền kinh tế số. Với nhân lực hiện tại của ngành Xây dựng, cần liên tục khuyến khích nâng cao kỹ năng số cho người lao động ở tất cả các DNXD, các lĩnh vực trong hoạt động xây dựng để mọi người làm chủ được các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh xây dựng.
Bộ Xây dựng cần có những chương trình thu hút, khuyến khích các sáng kiến kỹ thuật, phát huy tính tự chủ và sáng tạo của nhân lực số ngành Xây dựng.
Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, cần có tư duy mở để tiếp nhận những nhân lực số từ bên ngoài, đặc biệt là các kiều bào trên khắp thế giới trở về phục vụ phát triển cũng như đầu tư xây dựng trong nước.
Rất nhiều kiều bào Việt Nam đã thành danh ở nước ngoài, họ sẵn sàng trở về nước nếu có cơ chế thu hút và đãi ngộ phù hợp.
Bên cạnh đó, một lượng lớn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để họ trở về nước làm việc.
2.2. Thực hiện đồng bộ bốn yếu tố để thành công đối với doanh nghiệp xây dựng
- Đổi mới sản phẩm: Khi mở rộng thị trường và tái cấu trúc trong nền kinh tế số, DNXD cần đổi mới sản phẩm để giải quyết sự cạnh tranh với công nghệ xây dựng mới.
- Đáp ứng kỳ vọng khách hàng: Các DNXD cần đáp ứng tối đa sự kỳ vọng về dịch vụ của khách hàng, được trao quyền kỹ thuật số và cung cấp nhiều trải nghiệm hơn với chi phí lớn.
- Khả năng lãnh đạo: Để thích nghi nhanh thị trường xây dựng mới và mô hình kinh doanh, DNXD cần thay đổi cấu trúc tổ chức hoặc thực hiện các thay đổi cần thiết để thích ứng với nền kinh tế số thay đổi ngày càng nhanh chóng.
- Đổi mới hợp tác: DNXD phải nỗ lực sáng tạo hơn để thích ứng với môi trường cạnh tranh cao trong thị trường xây dựng. Khi đổi mới hợp tác sẽ giúp DNXD trở nên sáng tạo hơn để đối phó với sự cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường thời kinh tế số và chuyển đổi số.
3. Đo lường sự phát triển của kinh tế số trong xây dựng
Ở Việt Nam, kinh tế số đã được Đảng và nhà nước quan tâm chú trọng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030.
Kinh tế số được xem là một hình thái kinh tế và xã hội mới, được tạo ra sau khi internet đã phát triển đến giai đoạn trưởng thành, trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các hệ thống chỉ số đo lường của kinh tế số trên thế giới đang trong quá trình thử nghiệm và không ngừng hoàn thiện phương pháp cũng như dữ liệu đầu vào. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp thống nhất, kết quả đo lường, phần lớn là ước tính và chưa đầy đủ.
Bộ KH&ĐT là đơn vị chủ trì cập nhật các chỉ tiêu kinh tế số và hàng năm thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số của quốc gia. Bộ KH&ĐT phối hợp các chuyên gia trong và ngoài nước chuẩn hoá phương pháp đo lường. [1], [6]
3.1. Xây dựng bộ chỉ tiêu kinh tế số chung
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 411/QĐ-TTg.
Thủ tướng Chính phủ đã phân công Tổng cục Thống kê - Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. [6]
Thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thống kê, phối hợp Bộ TT&TTvà các Bộ, ban, ngành có liên quan xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Bộ chỉ tiêu kinh tế số được xây dựng trên nguyên tắc bám sát bộ chỉ tiêu do G20 đề xuất để bảo đảm tính so sánh quốc tế. [3]
Bộ TT&TT đã ra Quyết định 1354/QĐ-BTTTT ban hành Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số. Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số bao gồm 23 chỉ tiêu được phân thành 03 cấp độ, gồm: Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp quốc gia gồm 06 chỉ tiêu; Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số bộ/ngành gồm 03 chỉ tiêu; Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp tỉnh gồm 14 chỉ tiêu. [4]
3.1.1. Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp quốc gia
Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp quốc gia bao gồm 06 chỉ tiêu: (i) Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; (ii) Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; (iii) Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử;
(iv) Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử; (v) Tỷ lệ lao động kinh tế số trong tổng số lao động (kinh tế số chung); (vi) Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số trong lực lượng lao động. [2], [10]
3.1.2. Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số bộ/ngành
Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số chung cho bộ/ngành, gồm 03 chỉ tiêu: (i) Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực (KTS ngành); (ii) Số lượng doanh nghiệp khai thác, sử dụng dữ liệu mở trên cổng dữ liệu mở của bộ/ngành để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; (iii) Số lượng nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý đã được triển khai.
3.1.3. Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp tỉnh
Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp tỉnh, gồm 14 chỉ tiêu: (i) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; (ii) Số doanh nghiệp công nghệ số; (Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - Công nghệ thông tin); (iii) Số lượng doanh nghiệp nền tảng số;
(iv) Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx; (v) Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; (vi) Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; (vii) Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử; (viii) Số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định;
(ix) Số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart; (x) Số lượng tên miền .vn; (xi) Tổng kinh phí đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho kinh tế số; (xii) Tổng kinh phí chi thường xuyên từ Ngân sách nhà nước cho kinh tế số;
(xiii) Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi số; (xiv) Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số.
3.2. Xây dựng bộ chỉ tiêu kinh tế số trong xây dựng
Dựa trên Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số cấp quốc gia, Bộ Xây dựng xây dựng 'Bộ chỉ tiêu đo lường Kinh tế số ngành Xây dựng' (bao gồm: Khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu và kỳ lấy số liệu) như sau:
3.2.1. Tỷ trọng kinh tế số ngành Xây dựng/lĩnh vực xây dựng
- Khái niệm và phương pháp tính:
Tỷ trọng kinh tế số ngành Xây dựng/lĩnh vực xây dựng là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực so với giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng/lĩnh vực xây dựng đó trong kỳ báo cáo.
- Nguồn lấy số liệu: Tổng cục Thống kê.
- Kỳ lấy số liệu: Theo năm.
3.2.2. Số lượng doanh nghiệp khai thác, sử dụng dữ liệu mở trên cổng dữ liệu mở của Bộ Xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
- Khái niệm và phương pháp tính:
Số lượng doanh nghiệp khai thác, sử dụng dữ liệu mở trên cổng dữ liệu mở của Bộ Xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là số lượng doanh nghiệp có truy cập thông tin vào cổng dữ liệu mở của Bộ Xây dựng.
- Nguồn lấy số liệu: Bộ Xây dựng cung cấp.
- Kỳ lấy số liệu: Theo năm.
3.2.3. Số lượng nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý đã được triển khai
- Khái niệm và phương pháp tính:
Số lượng nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý đã được triển khai là số lượng các nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh được triển khai theo các lĩnh vực do bộ, ngành đó quản lý.
- Nguồn lấy số liệu: Bộ Xây dựng cung cấp.
- Kỳ lấy số liệu: Theo năm.
3.3. Phương pháp đo lường kinh tế số trong xây dựng
Phương pháp đo lường đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế đối với các hoạt động kinh tế số cốt lõi được tính toán trực tiếp từ kết quả hoạt động của các DNXD, các đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động đã liệt kê trên đây, thể hiện bằng chỉ tiêu giá trị tăng thêm (là hiệu số của giá trị sản xuất và chi phí trung gian) của các hoạt động đó.
Trong đó, giá trị sản xuất của từng hoạt động được tính theo phương pháp tính tương ứng theo quy định của hệ thống tài khoản quốc gia; chi phí trung gian của từng hoạt động được tính toán dựa vào kết quả biên soạn hệ số chi phí trung gian 5 năm/lần do Tổng cục Thống kê thực hiện.
3.3.1. Đo lường đóng góp của kinh tế số
Để đo lường đóng góp của kinh tế số (hay xác định được bức tranh tổng thể về đóng góp của kinh tế số) cần phải triển khai một khối lượng công việc đồ sộ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Khi Luật Thống kê sửa đổi năm 2021 được thông qua, Tổng cục Thống kê đã xây dựng, hoàn thiện môi trường thể chế (pháp lý) là cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu về kinh tế số, cụ thể: [7]
- Quy định 22 chỉ tiêu thống kê về chuyển đổi số, kinh tế số trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê;
- Quy định rõ về khái niệm, nội dung, phương pháp tính, phân tổ, kỳ công bố và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp của 22 chỉ tiêu này tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ; [5]
- Quy định danh mục 50 chỉ tiêu thống kê kinh tế số tại Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ KH&ĐT với 5 nhóm. [3]
Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh được phân công trong việc thu thập, tổng hợp và công bố các chỉ tiêu kinh tế số. Đối với 50 chỉ tiêu thống kê kinh tế số tại Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT, Tổng cục Thống kê được giao chủ trì thu thập, biên soạn 27 chỉ tiêu; Bộ TT&TT: 16 chỉ tiêu; Bộ GD&ĐT: 03 chỉ tiêu; Bộ Công Thương: 01 chỉ tiêu; Bộ Y tế: 02 chỉ tiêu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 01 chỉ tiêu.
Đối với các chỉ tiêu được phân công, Tổng cục Thống kê tiến hành lồng ghép việc thu thập, tổng hợp vào các cuộc điều tra thống kê hiện hành; thu thập, tổng hợp thông tin từ các nguồn số liệu sẵn có để tính toán thử nghiệm chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”.
3.3.2. Đo lường đóng góp của kinh tế số ngành Xây dựng:
Đối với các hoạt động xây dựng sử dụng vào 'đầu vào số' hoặc được tăng cường bởi đầu vào số: Trong các hoạt động xây dựng này, một số hoạt động hoàn toàn dựa vào đầu vào số, đồng thời cũng có nhiều hoạt động dựa một phần vào đầu vào số.
Do đó, có sự đan xen lẫn nhau giữa hoạt động mang tính chất số và không mang tính chất số. Vì vậy không áp dụng phương pháp tính toán trực tiếp từ giá trị sản xuất xây lắp như đối với các hoạt động kinh tế số cốt lõi mà cần tiến hành bóc tách, cân đối cung và cầu của các loại sản phẩm xây dựng liên quan tới kinh tế số, để từ đó lượng hóa được kết quả tổng hợp chung của kinh tế số trong toàn bộ ngành Xây dựng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
3.3.3. Công cụ đo lường kinh tế số ngành Xây dựng:
Một trong những công cụ hữu hiệu để đo lường kinh tế số ngành Xây dựng là sử dụng bảng vào-ra (bảng IO). Bảng IO sẽ cho phép đo lường, đánh giá tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và ảnh hưởng lan tỏa của kinh tế số đối với toàn bộ ngành Xây dựng. Từ đó sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về kinh tế số cũng như thấy được vai trò của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ngành Xây dựng. [4]
4. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số
Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”, là một trong 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê sửa đổi ngày 12/11/2021.
Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Cùng với đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”. [5], [9]
Các chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Bộ Xây dựng căn cứ vào 'Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số' này để xác định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số ngành Xây dựng.
Kết luận
Bộ Xây dựng đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế số trong xây dựng như: (i) Thực hiện sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các tổ chức/DNXD, trong đó có: Thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số.
Thực hiện cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số. Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (ii) Xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đã có những cấu phần đi vào vận hành như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... [2]
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào ba trụ cột (thể chế; hạ tầng số; nhân lực số); thực hiện đồng bộ bốn yếu tố để thành công đối với DNXD; xây dựng bộ chỉ tiêu kinh tế số chung, bộ chỉ tiêu kinh tế số trong xây dựng, phương pháp đo lường kinh tế số trong xây dựng. Có thể tin tưởng rằng: Kinh tế số sẽ giúp ngành Xây dựng có những bước phát triển ấn tượng trong tương lai gần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
[2]. Bộ Công Thương (2020), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
[3]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ KH&ĐT, quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số.
[4]. Bộ TT&TT (2022). Quyết định sốv1354/QĐ-BTTTT ngày 07/7/2022, ban hành Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số.
[5]. Chính phủ (2022). Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ, quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
[6]. Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045.
[7]. Quốc hội (2021) Luật số: 01/2021/QH15, ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
[8]. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
[9]. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
[10]. Vietnam Logistics Business Association (2021). Proceedings of the “Logistics and ecommerce: Developing together” workshop.
Theo: TS Trần Ngọc Phú, THS Cao Quang Hưng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội