[TẠP CHÍ KIẾN TRÚC] TÁC ĐỘNG CỦA KIẾN TRÚC ĐẾN DU LỊCH
Tại Việt Nam, hình thức kiến trúc vay mượn “nhại châu Âu” ở các dự án du lịch và bất động sản xây mới được sử dụng tràn lan gây nhiều tranh cãi cả trong giới chuyên môn và giới bình dân. Các công trình trên đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước nhưng gây nhiều hệ lụy về thẩm mỹ đô thị như thiếu kết nối với văn hóa địa phương.
Trên thế giới, trong các dự án thành công về du lịch, có hai xu hướng rõ ràng là bảo tồn kiến trúc di sản cổ và xây mới hoàn toàn các công trình mới với tạo hình đột phá hay tương phản hoàn toàn với cái cũ. Cả hai xu hướng này đều mang lại những thành công cho các địa phương và quốc gia mà chúng tồn tại về kinh tế và nhận diện bản sắc. Điều này có phần trái ngược với trào lưu nhại cổ điển, dùng công trình mới để thể hiện các “giá trị cũ” ở Việt Nam.
Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, nhằm đánh giá hiệu quả của việc vay mượn hình thức kiến trúc nước ngoài ở Việt Nam. Bài viết cũng thông qua phân tích các trường hợp thành công trên thế giới, tìm hiểu và cho thấy vai trò cùng “tác động của kiến trúc đến du lịch” nhìn chung.
Đặt vấn đề
Khi điểm qua một số các dự án du lịch và bất động sản được xây mới với quy mô lớn gần đây ở nước ta như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…, mọi người dễ nhận ra các công trình kiến trúc tuy được “xây mới”, nhưng lại đang nhắm vào khai thác các “câu chuyện cũ” của quá khứ, vay mượn các yếu tố từ văn hóa nước ngoài. Các ví dụ có thể thấy như khu Nam đảo Phú Quốc được xây dựng với cấu trúc và biểu hiện của một thị trấn vùng Địa Trung Hải, hay khu du lịch Bà Nà ở Đà Nẵng được xây dựng với dáng dấp các công trình cổ điển Pháp… Ngoài ra, rất nhiều dự án bất động sản xây mới ở nhiều địa phương khác, đến từ các nhà đầu tư lớn như Vin group hay Sun group và nhiều nhà đầu tư bất động sản khác cũng truyền tải các hình ảnh vay mượn đến từ văn hóa châu Âu.
Điều này phản ánh thị hiếu của phân khúc khách hàng mà các dự án trên đang nhắm tới. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy thiếu vắng sự “đa dạng” và “sáng tạo” trong các chủ đề được khai thác khi xây các dự án mới này. Ngoài ra, các kiến trúc trên ảnh hưởng đến thẩm mỹ đô thị cùng nhiều hệ lụy khác, nên đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và cả giới bình dân. [1]
Xét trên bức tranh toàn cảnh, xuất phát từ câu hỏi: “Hiện tượng trên có tác động thế nào đến việc khai thác du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước”, bài viết sẽ đi vào phân tích và làm rõ vấn đề này. Ngoài ra, qua tổng hợp và phân tích thêm các ví dụ khác đến từ quốc tế, vai trò và tác động của Kiến trúc trong các dự án có liên quan đến du lịch cũng được thấy dưới góc nhìn rõ ràng và khách quan hơn, từ đó tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này.
Tác động của kiến trúc đến du lịch
1. Mối quan hệ giữa kiến trúc và du lịch
Kiến trúc và du lịch luôn có mối quan hệ cộng sinh khắng khít với nhau. Bản chất của du lịch là đi đến một nơi chốn mới, với nhiều mục đích khác nhau. Theo thống kê và dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, phần lớn mọi người đi du lịch với mục đích tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng (54%); ngoài ra họ còn đi du lịch với các mục đích thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo (31%); một bộ phận khác sẽ đi vì công việc (15%).
Cũng theo nghiên cứu trên thì điều hấp dẫn du khách nhất là các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị về tự nhiên thiên nhiên và các giá trị về sáng tạo, ứng dụng khoa học hay công nghệ cao… Chính vì vậy, các dự án du lịch luôn có các công trình kiến trúc đóng vai trò chính để thu hút du khách. Thông qua các công trình này, du khách có thể khám phá về lịch sử, văn hóa địa phương hay trải nghiệm những dịch vụ và công nghệ mới mà ở quê nhà họ không có. [2]
Xét trên phương diện phát triển kinh tế, thì du lịch luôn là một trong những ngành mang lại lợi nhuận to lớn cho bất kỳ quốc gia nào. Để thúc đẩy du lịch, các quốc gia hay địa phương thường bỏ ra số tiền khổng lồ để bảo tồn các di sản kiến trúc hay xây dựng các công trình mới độc đáo. Và ở chiều ngược lại, nguồn lợi thu được từ du lịch cũng là nguồn kinh phí để bảo tồn hay đầu tư xây mới các công trình này. Ngoài ra, để mang lại các trải nghiệm tốt hơn cho du khách, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ích của xã hội cũng được cải thiện theo. Nhờ đó, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp đời sống và kinh tế của họ cũng được cải thiện đáng kể.
Không chỉ tốt hơn về mặt kinh tế, du lịch phát triển cũng làm người dân địa phương cảm nhận rõ nét hơn về “bản sắc” của địa phương mình, qua đó gắn kết hơn với vùng đất của họ. Một ví dụ gần chúng ta là Malaysia. Năm 2018, khi tôi đi dạo quanh đường phố Kuala Lumpur, những áo thun in hình tháp đôi Petronas với nhiều kiểu cách điệu được bày bán cho du khách. Tuy là công trình xây mới, nhưng tòa tháp đôi này đã trở thành biểu tượng, một phần không thể tách rời của người Malaysia. Người dân Malaysia đã đối xử với công trình như cách mà người dân Campuchia đối xử với đền Angkor Vat hay cách người Ai Cập đối xử với các Kim tự tháp – Đó nhiều hơn là một công trình kiến trúc, đó là sự tự hào dân tộc!
2. Hình thức kiến trúc vay mượn nước ngoài ở các khu đô thị và khu đô thị có yếu tố du lịch tại Việt Nam
Sự lựa chọn một hình thức kiến trúc nào đó trong các dự án kinh doanh thường nhằm phục vụ cho nhu cầu của khách hàng và sinh ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Xét về mặt hiệu quả kinh tế, phong cách châu Âu có vẻ khá được khách Việt ưa chuộng và chúng được xuất hiện khắp nơi ở mọi quy mô từ nhỏ đến lớn. Các ví dụ có thể dễ bắt gặp từ khu dân cư City Land ở TP.HCM đến các khu đô thị quy mô lớn như Aqua City – “Tinh hoa châu Âu giữa Sài Gòn”. Ngay cả những khu đô thị đa chức năng, kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch và thương mại cũng được xây dựng theo hình thức này như khu Grand World ở Phú Quốc, được mô tả như “Venice phiên bản Việt”. Ngoài ra, các khu du lịch hay nghỉ dưỡng khép kín cũng được những nhà đầu tư kể các câu chuyện về châu Âu hay Nhật Bản, như khu làng Pháp tại đỉnh Bà Nà, hay Sun Onsen với “Khu làng Nhật Bản”…
Với hình thức kiến trúc vay mượn từ các nền văn hóa mạnh khác như châu Âu, Nhật hay Trung Quốc… Rõ ràng nhà đầu tư muốn truyền đi thông điệp về thẩm mỹ cao, sự sang trọng, quý phái… vốn là những giá trị tiêu biểu “đã được kiểm chứng” của các phong cách này. Đây cũng là một trong những cách để kêu gọi các nhà đầu tư và thu hút du khách trong nước.
Xét về mặt hiệu quả trong dự án, sự vận dụng các câu chuyện đã được chứng minh giá trị từ lịch sử sẽ đỡ tốn kém chi phí thiết kế và xây dựng, rút ngắn được thời gian đầu tư thay vì phải tốn khá nhiều công sức để nghĩ ra một câu chuyện mới hoàn toàn.
Tuy nhiên, xét trên phương diện tác động đến du lịch, các hình thức kiến trúc vay mượn này vẫn còn nhiều tranh cãi. Hệ lụy có thể thấy rõ nhất của việc sao chép tràn lan phong cách này ở các đô thị đó là sự thiếu kết nối về nơi chốn mà chúng tồn tại, gây nên sự “đứt gãy” vì cấu trúc và phong cách hoàn toàn khác lạ so với nền tảng địa phương. Do sự thiếu kết nối về văn hóa, hình thức biểu hiện của các dạng kiến trúc này đóng góp về mặt “nhận diện bản sắc” của nơi chốn mà chúng tồn tại là tương đối hạn chế.
Lấy ví dụ đơn giản như trường hợp ở Phú Quốc, có thể thấy là câu chuyện về “Venice ở Việt Nam” hay khu phố “Địa Trung Hải” mà nhà đầu tư mang đến cho khu vực… hoàn toàn có thể đặt ở vùng đất khác mà không nhất thiết là phải ở địa phương này. Và theo thống kê tình hình thực tế du khách 6 tháng đầu năm 2022, thì trong tổng số 3,5 triệu du khách đến Phú Quốc chỉ có khoảng 50 ngàn du khách quốc tế, chiếm tỉ lệ ít ỏi 1,4% [3]. Điều này cũng cho thấy là các loại hình bất động sản và các khu du lịch tại Phú Quốc được nhà đầu tư nhắm tới với đối tượng khách hàng Việt là chính và chưa thu hút được du khách quốc tế.
Xét về lâu dài, trên bình diện quốc tế hay khu vực, thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, việc thu hút được các khách du lịch quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho quốc gia đó. Như ở phần trước đã nêu, du khách quốc tế bị thu hút bởi những thứ thuộc về bản sắc hay nét độc đáo riêng của địa phương. Điều này khó có thể xuất hiện được ở những hình thức kiến trúc vay mượn văn hóa từ nơi khác. Vấn đề này cũng sẽ được làm rõ hơn ở phần sau của bài viết.
3. Vai trò của các công trình kiến trúc trong các chiến lược phát triển về du lịch – các bài học thành công trên thế giới
Các công trình kiến trúc luôn là phương tiện biểu đạt văn hóa và bản sắc của nơi chốn. Hình thức biểu hiện của chúng là thông điệp rõ ràng và dễ hiểu nhất truyền tải đến công chúng. Do đó, trên thế giới, các công trình này đóng vai trò hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia hay địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch và mời gọi các hoạt động về đầu tư kinh tế.
- Công trình kiến trúc kể các câu chuyện về văn hóa và lịch sử của địa phương
Khi được xây dựng lên, các công trình kiến trúc luôn là những thứ tốn kém nhất mà một nền văn minh có thể tạo ra. Điều hấp dẫn của các công trình kiến trúc di sản là chúng luôn truyền tải các thông điệp về kinh tế, chính trị, thẩm mỹ và mong muốn của người xây dựng nên, qua đó phản ánh văn hóa xã hội vào thời điểm đó. Qua các công trình này, chúng ta có thể hình dung ra những gì thật sự là quan trọng và có ý nghĩa đối với xã hội thời bấy giờ. Hãy để ý đến hình thức kì vỹ của các công trình cổ đại như Kim tự tháp Ai Cập hay Vạn Lý Trường Thành. Các công trình này cho thấy sự tập trung của cải vật chất và công sức của xã hội ở mức tối đa. Điều này phản ánh cấu trúc chính trị của một xã hội đặt rất nhiều quyền lực vào tay một cá nhân. Nếu ở một xã hội có sự phân bố quyền lực và của cải đồng đều hơn thì sẽ không có những công trình tưởng niệm cá nhân (các Kim tự tháp) tốn kém như vậy. Tương tự với trường hợp của Vạn Lý Trường Thành, mức độ tổn hao khủng khiếp về của cải vật chất và nhân mạng sẽ làm chùn bước bất cứ xã hội dân chủ nào, nhưng Tần Thủy Hoàng với quyền lực tuyệt đối của mình thì lại hoàn thành được công trình vĩ đại này.
Ở nước ta, tuy không có những công trình di sản ở mức độ kì vỹ như các ví dụ trên, nhưng Hoàng thành Huế là một trong số ít các công trình còn giữ được sự nguyên vẹn. Các di sản kiến trúc này cho thấy được sự rực rỡ của triều Nguyễn, một trong những triều đại để lại nhiều di sản nhất của thời phong kiến Việt Nam.
Các ví dụ trên cho thấy: Bản thân các công trình kiến trúc di sản đã chứa đựng rất nhiều các câu chuyện hấp dẫn và có giá trị về văn hóa, lịch sử; do đó, khi đi vào khai thác du lịch, các công trình phụ trợ xây mới đã có sẵn chủ thể và trọng tâm để bám theo. Thông thường sẽ có hai hướng tiếp cận, một là xây các cụm công trình phụ trợ tách hẳn khỏi lõi di sản và trường hợp thứ hai là các công trình xây mới trong quần thể di sản kiến trúc sẽ được làm với tư duy và hình thức bên ngoài hoàn toàn khác biệt so với công trình cũ để làm tương phản và nổi bật các giá trị cũ lên. Trường hợp đầu thì chúng ta dễ bắt gặp ở các khu kiến trúc di sản còn nguyên vẹn, còn trường hợp thứ hai thì có một ví dụ rất thành công trên thế giới là Kim tự tháp thủy tinh được xây mới ở Bảo tàng Lourve, Paris.
- Như vậy, trong trường hợp du lịch kết hợp với các công trình kiến trúc di sản, có thể nhìn nhận câu chuyện được kể ở đây chính là “các giá trị văn hóa và lịch sử”. Đây luôn là điều hấp dẫn với các du khách và là đề tài khai thác mãi mãi cho các địa phương sở hữu các công trình này.
- Kiến trúc là phương tiện truyền đạt chiến lược phát triển của một quốc gia hay địa phương, thông điệp để mời gọi các nhà đầu tư và du khách
Khác với các khu du lịch được xây dựng với trọng tâm là các kiến trúc di sản vốn đã có sẵn câu chuyện để kể; thì ở các dự án về du lịch khác, các công trình xây mới hoàn toàn thường phải tự kể nên câu chuyện của mình để thu hút du khách.
Chúng ta dễ thấy được trường hợp trên ở các quốc gia thiếu các công trình kiến trúc di sản và thiếu cả tài nguyên thiên nhiên như Singapore hay UAE. Ở các nước trên, các công trình kiến trúc được xây dựng lên ngoài việc đáp ứng công năng sử dụng, còn đáp ứng cho việc thu hút du khách bằng những chiến lược mang tầm quốc gia.
Ví dụ như Singapore với chiến lược “Passion made possible” (tạm dịch: Đam mê khơi mở tiềm năng). Với khẩu hiệu trên, các công trình kiến trúc ở Singapore được đầu tư rất mạnh vào tính đột phá và sáng tạo để có thể truyền tải thông điệp “Vượt qua giới hạn, theo đuổi đam mê”. Vì vậy, hình thức và kiểu dáng của các công trình ở quốc gia này đều được thiết kế rất độc đáo, không sao chép với bất cứ nơi nào trên thế giới. Công trình tiêu biểu cho chiến lược này là khách sạn đắt nhất thế giới Marina Bay Sands với khối console vươn ra 66m.
Hay một ví dụ thành công tương tự khác là UAE với chiến lược “Discover all that’s possible” (tạm dịch: Khám phá tất cả những gì có thể) cũng truyền tải đi thông điệp về tính sáng tạo mạnh mẽ bằng các công trình kì vỹ được xây dựng lên tại nơi đây. Du khách đến Dubai để trải nghiệm công trình cao nhất thế giới như Tháp Burj Khalifa hay cụm đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah. Hình thức biểu hiện của các công trình này thật sự mang tính đột phá và hấp dẫn với mục tiêu mời gọi mọi người phải đến để chiêm ngưỡng chúng.
Ngoài những quốc gia, thì ở những địa phương khác nhau trên thế giới, chúng ta cũng có thể bắt gặp rất nhiều trường hợp các công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng để vực dậy các hoạt động du lịch, qua đó cải thiện cả nền kinh tế. Ví dụ điển hình cho trường hợp này chính là Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao do KTS Frank Ghery thiết kế. Trước bối cảnh đối diện với sự xuống cấp của cảng biển và thành phố đang gặp khó khăn lớn về kinh tế, chính quyền thành phố đã quyết định xây nên một công trình táo bạo và đột phá để thu hút du khách. Sau khi xây dựng xong, hình thức của công trình này tạo ấn tượng mạnh với công chúng đến nỗi nó đã mở đầu cho một trào lưu kiến trúc Ghery lan rộng toàn thế giới những năm sau đó. Về mặt hiệu quả kinh tế, chỉ trong 3 năm đầu tiên đi vào vận hành, 4 triệu du khách đã đến thăm công trình, mang lại hơn 500 triệu đô la và thu về cho ngân sách thành phố hơn 100 triệu đô la, còn nhiều hơn kinh phí đã bỏ ra để xây dựng nên công trình này. [4]
Những ví dụ trên cho thấy sự thành công khi kết hợp giữa chiến lược du lịch và các công trình kiến trúc mới độc đáo dưới định hướng chung của chính phủ các nước hay chính quyền địa phương.
Từ thế giới đến Việt Nam
Qua các ví dụ phân tích các dự án thành công về du lịch trên, chúng ta có thể thấy những “câu chuyện” truyền tải từ công trình kiến trúc: các công trình di sản với hình thức cổ được bảo tồn sẽ kể các câu chuyện về lịch sử và “quá khứ”, còn các công trình xây mới với tạo hình hoàn toàn khác lạ, đột phá hay hoàn toàn tương phản với cái cũ sẽ kể câu chuyện về sáng tạo và “tương lai”. Cả hai xu hướng này đều góp phần nhận diện bản sắc của dân tộc hay quốc gia đó.
Điều này khác với thực trạng “nhái cổ điển châu Âu” ở Việt Nam gần đây: Các công trình xây mới không kể các câu chuyện về “sáng tạo” mà kể các câu chuyện về giá trị lịch sử của một nền văn hóa khác. Điều này góp phần hạn chế trong việc xây dựng hình ảnh đậm “bản sắc” Việt Nam.
Qua các ví dụ trên cũng cho thấy chúng ta đang thiếu một chiến lược chung để phát triển về du lịch như các nước, do đó các công trình xây mới có phần bị thiếu định hướng và quay về tìm các giá trị cũ như một giải pháp an toàn.
Kết luận
Kiến trúc và du lịch luôn có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Ở các dự án về du lịch, thì các công trình kiến trúc thông qua hình thức biểu đạt của chúng, kể những câu chuyện đáng giá để thu hút du khách. Những câu chuyện này cần phải là những câu chuyện riêng, đặc trưng mà du khách không thể tìm được ở địa phương của mình.
Trên thế giới, trong các dự án có các công trình kiến trúc di sản, câu chuyện được kể là giá trị của văn hóa và lịch sử. Còn ở các dự án với những công trình xây mới thì thường người ta sẽ kể câu chuyện về sáng tạo và tương lai.
Hình thức kiến trúc vay mượn từ văn hóa nước ngoài phổ biến ở nước ta thời gian gần đây, góp phần giải quyết được nhu cầu thị trường và đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong nước. Chúng cũng góp phần giúp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, khi xét trên phương diện đóng góp để làm rõ nét hơn về “bản sắc” và thương hiệu quốc gia, là yếu tố giúp định vị được Việt Nam trên thế giới qua du lịch, thì vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong phạm vi bài viết thì chưa đủ để có thể đưa ra nhận định về hướng đi nào phù hợp hơn cho hình thức các kiến trúc du lịch xây mới tại Việt Nam. Tuy nhiên qua nghiên cứu các ví dụ ở phần trên của bài viết, có thể thấy ngoài nguồn lực từ tư nhân thì vai trò định hướng phát triển du lịch của chính phủ cũng là điều hết sức quan trọng. Rất mong trong tương lai chúng ta sẽ có những dự án về du lịch và bất động sản được kết hợp nhuần nhuyễn từ định hướng nhà nước cho đến triển khai từ các nhà đầu tư tư nhân, góp phần cho việc đi tìm “bản sắc” là cái mà chúng ta vẫn đang loay hoay nhiều năm qua.
Theo ThS.KTS. Nguyễn Vương Hồng
Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)
Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/tac-dong-cua-kien-truc-den-du-lich.html