Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ
Trong những năm qua đã có một số nghiên cứu về giải pháp phòng chống lũ cho một số khu vực trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, ví dụ như đề án Quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kỳ Cùng, Quy hoạch phòng chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, các nghiên cứu nêu trên chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về tình hình ngập lũ, chưa xác định được tiêu chuẩn phòng chống lũ, chưa đánh giá được rủi ro ngập lũ và kế hoạch ứng phó với các cấp độ rủi ro do lũ. Vì thế, TS. Lê Viết Sơn và nhóm nghiên cứu tại Viện quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ” từ năm 2018 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá được thực trạng và nguy cơ gia tăng lũ, ngập lụt tại các thành phố Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn; xây dựng được bản đồ rủi ro ngập lụt tại các khu vực nghiên cứu tương ứng với các cấp độ lũ, mưa lớn; và đề xuất được các giải pháp phòng tránh, thích ứng với lũ, ngập lụt cho khu vực nghiên cứu.
Để có thể mô phỏng quá trình hình thành dòng chảy lũ trên các lưu vực nghiên cứu gồm sông Lô, sông Thao, Bằng Giang, Kỳ Cùng và Nậm La, đề tài đã tiến hành xây dựng bộ công cụ mô phỏng về mưa, dòng chảy bao gồm hai mô đun là mô hình thuỷ văn NAM và mô hình thuỷ lực MIKE FLOOD. Bộ công cụ được xây dựng riêng cho từng lưu vực sông và được đóng gói để có thể sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài và sau khi đề tài kết thúc
Nghiên cứu đã tính toán thiệt hại do lũ cho 5 thành phố Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Sơn La sử dụng số liệu điều tra, thống kê về kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng từ cấp xã của 5 thành phố (thống kê tài sản cố định, sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các cấp cao độ địa hình khác nhau), kết quả tính toán thuỷ lực bằng mô hình 1 chiều kết hợp 2 chiều được sử dụng để tính toán diện tích ngập và độ sâu ngập và sử dụng mô hình FDA để tính toán thiệt hại theo các kịch bản. Phương pháp luận tính kinh tế lũ trong FDA là phương pháp mới hiện chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta. Nghiên cứu này đã ứng dụng mô hình HEC - FDA thành công để tính toán thiệt hại kinh tế lũ cho 5 thành phố và khu vực đông dân cư. Yêu cầu về số liệu và quy trình tính toán để tính ra thiệt hại đã được trình bày cụ thể trong nghiên cứu.
Trên cơ sở phân tích đánh giá thiệt hại lũ theo các kịch bản và căn cứ vào quy mô của vùng cần được bảo vệ của các thành phố cũng như đặc điểm của lũ trên các sông chảy qua các thành phố, nghiên cứu này đề tiêu chuẩn phòng chống lũ cho thành phố Yên Bái là chống lũ với tần suất 1%, các thành phố còn lại là 2%. Đây là chỉ tiêu quan trọng để xác định mực nước lũ thiết kế, cũng là cơ sở để xây dựng các công trình hạ tầng trên sông trên địa bàn các thành phố, xác định cao độ san nền cho các khu đô thị… Từ tiêu chuẩn phòng chống lũ thì mực nước lũ thiết kế cũng đã được xác định cho các thành phố.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình để bảo vệ thành phố Yên Bái là tôn cao và kéo dài tuyến đê Tả Thao bảo vệ TP Yên Bái và các xã lân cận của huyện Trấn Yên (nâng cấp 5,85km, làm mới 8,46km), làm mới tuyến Giới Phiên 4,1km đảm bảo chống lũ thiết kế 1%; xây dựng 2 tuyến kè sông Thao, đoạn qua TP Yên Bái để bảo vệ không gian thoát lũ, tạo cảnh quan, giao thông (bên Tả 22,7km, bên Hữu 14,9km); cải tạo 5 suối nội đồng; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 63%; Quản lý 300ha ao hồ, mặt nước. Với các giải pháp được đề xuất diện tích ngập giảm từ 1800ha xuống còn 700ha.
Giải pháp công trình phòng chống lũ cho thành phố Sơn La gồm xây dựng hồ chứa Bản Mòng dung tích 10 triệu m3, cách thành phố Sơn La 4km để cắt giảm lũ; cải tạo suối Nậm La từ hồ Bản Cá đến Bản Sắng 8km; xây dựng hầm thoát lũ Cao Pha từ Bản Sắng suối Nậm Pàn 2km; nâng độ che phủ rừng từ 43,5% hiện nay lên 50% năm 2025 và 55% năm 2030. Với các giải pháp đã đề xuất thì hiệu quả mực nước lũ giảm 0,6m, diện tích ngập giảm 110ha (30%).
Giải pháp công trình phòng chống lũ cho thành phố Hà Giang gồm nâng cấp 5,2km kè, làm mới 7,2km kè sông Lô, sông Miện; hoàn chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Lô, sông Miện; nâng độ che phủ rừng lên 58%; Hợp tác quốc tế để có thông tin xả lũ từ Trung Quốc trên sông Lô; xây dựng trạm quan trắc tự động mực nước lũ ở biên giới để cảnh báo lũ.
Giải pháp công trình phòng chống lũ cho thành phố Cao Bằng gồm: bảo vệ không gian thoát lũ sông Bằng Giang (vùng ngập lũ đã được xác định trên bản đồ ứng với lũ thiết kế); Xây dựng bổ sung kè sông Hiến: Tả 361m, Hữu 1.349m; xây dựng bổ kè sông Bằng đoạn qua thành phố: Tả 5000m, Hữu 4080m; Nâng cao độ che phủ lên 50%;
Giải pháp phòng chống lũ cho thành phố Lạng Sơn bao gồm: xây dựng hồ Bản Lải cách thành phố Lạng Sơn 50km, dung tích cắt lũ 98 triệu m3; bảo vệ không gian thoát lũ sông Kỳ Cùng đoạn qua thành phố Lạng Sơn; kéo dài kè sông Kỳ Cùng đoạn qua thành phố về phía thượng lưu đến cầu Mai Pha 4km mỗi bên; nâng độ che phủ lên 65% vào năm 2025.
Với các giải pháp được đề xuất mực nước lũ thiết kế giảm từ 258,36m xuống còn 256,85m (giảm 1,5m). Ngoài các giải pháp công trình, phi công trình, nghiên cứu đã đề xuất kế hoạch ứng phó với các các kịch bản lũ 0,5%, 1%, 2%, 5%, xác định chi tiết mức độ ngập lụt khu vực dân cư theo các kịch bản. Đề xuất số lượng dân cần sơ tán theo các kịch bản và phương án sơ tán.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để Viện Quy hoạch Thuỷ lợi lập quy hoạch phòng chống lũ cho các lưu vực sông, các thành phố trong vùng nghiên cứu. Bộ mô hình tính toán thuỷ văn, thuỷ lực được đề tài xây dựng có thể được sử dụng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học.
Nguồn: vista.gov.vn