CHÍNH SÁCH TOÀN CẦU VÌ MỘT MÔI TRƯỜNG XÂY DỰNG BỀN VỮNG
Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đang thúc đẩy những thay đổi mang tính hệ thống để đáp ứng tham vọng của Thỏa thuận Paris và Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững (SDGs).
3 mục tiêu quan trọng đáp ứng Thỏa thuận Paris
Trên toàn thế giới, các tòa nhà chịu trách nhiệm cho 37% lượng khí thải toàn cầu, 34% nhu cầu năng lượng và 50% tiêu thụ nguyên vật liệu, và các tác động môi trường khác, bao gồm: Tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm không khí, nước và đất và mất đa dạng sinh học.
Cùng với mạng lưới hơn 75 Hội đồng Công trình Xanh toàn cầu và các đối tác có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới, để giải quyết các tác động ngày càng tăng của lĩnh vực Xây dựng đối với sức khỏe con người và hành tinh, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đang thúc đẩy những thay đổi mang tính hệ thống, tập trung vào 3 mục tiêu quan trọng để đáp ứng tham vọng của Thỏa thuận Paris và Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững (SDGs):
1) Giải quyết lượng khí thải carbon cho toàn bộ vòng đời của các tòa nhà hiện có và mới.
2) Thực hiện các công trình có khả năng phục hồi, lành mạnh, công bằng và toàn diện.
3) Xây dựng khả năng tái tạo an toàn, tuần hoàn và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Bất chấp những ý định tốt nhất, những hành động được thực hiện cho đến nay chỉ đơn giản là không đi đúng hướng để mang lại sự thay đổi mà thế giới chúng ta cần. Để giải phóng tiềm năng, điều quan trọng là cần hành động để củng cố và thực hiện xây dựng chính sách hỗ trợ sự chuyển đổi trong lĩnh vực Xây dựng.
Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng cho thị trường và cho phép các bên liên quan trong ngành công nghiệp Xây dựng cung cấp các giải pháp sáng tạo cần thiết để giảm rủi ro đầu tư và giảm chi phí chuyển đổi.
Theo IEA, việc trì hoãn hành động xây dựng chính sách có ảnh hưởng to lớn về mặt kinh tế. Sự cấp bách như vậy đòi hỏi hành động về chính sách ngay bây giờ và điều này cần sự hợp tác giữa các Chính phủ, thành phố, khu vực, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hội đồng Công trình Xanh thế giới WorldGBC hợp tác với mạng lưới Hội đồng công trình Xanh toàn cầu đã đề xuất các ưu tiên và khuyến nghị chính sách cho công trình xây dựng bền vững nhằm hỗ trợ và hướng dẫn các Chính phủ khi phát triển các chính sách và xây dựng chương trình nghị sự.
Những khuyến nghị và đề xuất về các chính sách cho công trình xây dựng bền vững được phát triển bởi các chuyên gia đến từ các Hội đồng Công trình Xanh toàn cầu. Vì vậy, thuận lợi cho việc đối thoại, trao đổi các quan điểm và hiểu rõ các vấn đề liên quan của từng quốc gia, từ đó xây dựng các nguyên tắc chính sách và quy định để đảm bảo rằng các chính sách và quy định này được áp dụng trên toàn cầu nhưng vẫn phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
7 trụ cột ảnh hưởng tới mạng lưới hành động
7 trụ cột quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất tới mạng lưới hành động địa phương, khu vực, toàn cầu, dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang môi trường xây dựng bền vững được áp dụng trong đề xuất của Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WorldGBC) ban hành ngày 12/4/2023 về các nguyên tắc chính sách toàn cầu cho môi trường xây dựng bền vững (Global Policy Principles for a Sustainable Built Environment), gồm:
1. CARBON: Ưu tiên cải tạo công trình hiện hữu và loại bỏ khí thải carbon trong vận hành và carbon hàm chứa của tòa nhà trong suốt vòng đời công trình.
2. THÍCH ỨNG VÀ CHỐNG CHỊU: Tăng cường khả năng đối phó của công trình và cộng đồng với các rối loạn và áp lực bên ngoài bằng cách tích hợp khả năng thích ứng và chống chịu.
3. KINH TẾ TUẦN HOÀN: Loại bỏ lãng phí trong chuỗi cung ứng xây dựng bằng cách giảm sử dụng vật liệu thô và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và vật liệu thông qua kinh tế tuần hoàn.
4. NƯỚC: Bảo vệ và bảo quản nguồn nước và bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đến nước sạch và vệ sinh, bền vững, an toàn.
5. ĐA DẠNG SINH HỌC: Tái tạo các hệ thống tự nhiên và phục hồi mất đa dạng sinh học bằng cách tránh phát triển trên đất có tính đa dạng sinh học cao và ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm ưu tiên, mở rộng và bảo vệ môi trường tự nhiên.
6. SỨC KHỎE: Phát triển các tòa nhà và thành phố lành mạnh, công bằng và ổn định mang lại sự cải thiện về sức khoẻ cho dân cư và cộng đồng trong toàn bộ vòng đời công trình.
7. CÔNG BẰNG VÀ TIẾP CẬN: Hỗ trợ việc tiếp cận bình đẳng cho tất cả công dân đến ngôi nhà và cộng đồng an toàn, khỏe mạnh, bền vững.
Các trụ cột này củng cố và được xây dựng để nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ đề. Ví dụ: hành động đối với carbon và khả năng thích ứng sẽ mở ra các lợi ích chung trên tất cả các chủ đề chính.
Tương tự, việc áp dụng các nguyên tắc thiết kế tuần hoàn có thể giúp giảm thải carbon đồng thời giải quyết khả năng phục hồi và đa dạng sinh học. Các nguyên tắc này phải được áp dụng một cách tích hợp để nhận ra và hưởng lợi từ các mối liên kết giữa chúng.
Bằng cách tiếp cận toàn diện để áp dụng và kết hợp các nguyên tắc này, các nhà hoạch định chính sách có thể bảo đảm rằng các chính sách và quy định của quốc gia mình mang lại hành động chuyển đổi cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững (SDGs).
Trong nội dung đề xuất này, Hội đồng Công trình Xanh thế giới còn đi chi tiết hơn trong việc khuyến nghị triển khai các đòn bẩy chính sách cho từng trụ cột, gồm 3 mục:
1) Quy định - bao gồm khuyến nghị về các quy tắc xây dựng, quy định pháp luật và chính sách quy hoạch.
2) Thông tin - bao gồm lộ trình, chiến lược, nhận thức chiến dịch…
3) Khuyến khích - bao gồm các khoản trợ cấp, khuyến khích tài chính.
Hội đồng Công trình Xanh thế giới và mạng lưới các Hội đồng Công trình Xanh mời các Chính phủ xem xét và cập nhật luật hiện hành sao cho phù hợp với các đề xuất trong nguyên tắc toán cầu này.
Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình Xanh Việt nam VGBC sẵn sàng cung cấp các sự hỗ trợ cần thiết về kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối mạng lưới quốc tế… để đồng hành cùng Chính phủ dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang môi trường xây dựng bền vững và khử carbon cho mọi người, mọi nơi.
Nguồn: https://tapchixaydung.vn/chinh-sach-toan-cau-vi-mot-moi-truong-xay-dung-ben-vung-20201224000019638.html