CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ THỦY LỢI PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG.
TÓM TẮT:
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là phần cuối cùng của Lưu vực sông Mê Công, bao gồm 13 tỉnh/thành phía Nam Việt Nam (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn Châu thổ và bằng 5% diện tích toàn lưu vực sông Mê Công. Lưu vực sông Mê Công có dòng chính dài 4.200 km, chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, với diện tích lưu vực 795.000 km2, trong đó phần Châu thổ 49.367 km2 (cả Việt Nam và Campuchia).
ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Với tiềm năng nông nghiệp to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực, quyết định thực hiện thành công chiến lược an ninh lương thực Quốc gia và chiếm chủ đạo trong xuất khẩu gạo (hơn 90%), từ 2010 đến nay mỗi năm trung bình xuất khẩu 6-7 triệu tấn. Đồng thời, ĐBSCL cũng cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thuỷ sản đánh bắt và 75% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của cả nước.
Nổi bật nhất trong kết quả tăng trưởng của vùng phải kể đến sản lượng lúa từ 2010 đến nay luôn đạt trên 20 triệu tấn. Trong 20 năm trở lại đây, cứ trung bình 5 năm ĐBSCL lại tăng thêm khoảng 2,5 triệu tấn hay mỗi năm tăng thêm 500 ngàn tấn. Năm 2014 sản lượng lúa đạt 25 triệu tấn. Tổng sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 2,4 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng vùng ngọt 1,75 triệu tấn, mặn/lợ 0,65 triệu tấn, đặc biệt cá da trơn tăng nhanh trong mấy năm vừa qua với sản lượng hơn 1,2 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng năm 2014 đạt 9,4 tỷ USD, trong đó thủy sản và lúa gạo trên 5 tỷ USD.
Tầm quan trọng của ĐBSCL đối với cả nước được thể hiện ở ảnh hưởng to lớn của vùng trong cán cân phát triển chung, trong đó, sản lượng lúa không chỉ luôn chiếm hơn 50% sản lượng toàn quốc, mà còn chính là nhờ vào sự ổn định nên có tỷ trọng an ninh lương thực cao hơn hẳn so với 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, trong tình hình diễn biến thiên tai và khủng hoảng lương thực thường xuyên xảy ra trên thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định với cộng đồng Quốc tế rằng, trong nhiều năm tới, Việt Nam không chỉ quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn góp phần quan trọng cho chương trình an ninh lương thực toàn cầu.
Nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Công, thừa hưởng nhiều thuận lợi từ vị trí địa lý, nguồn nước phong phú và được điều tiết tự nhiên bởi Biển Hồ; bờ biển và vùng biển rộng lớn nhiều tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ và được phù sa bồi đắp hàng năm, nguồn thủy sản dồi dào với nhiều giống loài..., song ĐBSCL cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế trong điều kiện tự nhiên, với những tác động không nhỏ và khôn lường từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động ở thượng lưu, với mực nước biển dâng và xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, và hơn cả là với các mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngay tại chính đồng bằng này.
Trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội ở ĐBSCL, những hạn chế về điều kiện tự nhiên là rào cản không nhỏ, nếu không muốn nói là cực kỳ to lớn, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Những hạn chế chính của điều kiện tự nhiên là:
(a) ảnh hưởng của lũ trên diện tích từ 1,4-1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn;
(b) mặn xâm nhập trên diện tích khoảng 1,2-1,6 triệu ha ở vùng ven biển, ứng với độ mặn trên 4g/l;
(c) đất phèn và sự lan truyền nước chua trên diện tích khoảng 1,2-1,4 triệu ha ở những vùng thấp trũng;
(d) thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trên diện tích khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển;
(e) xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng. Thêm vào đó là nạn cháy rừng thường xảy ra, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, những vấn đề xuyên biên giới diễn biến ngày càng phức tạp…
Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ĐBSCL, trong hơn 30 năm qua, nhiều công trình thủy lợi đã được đề xuất và xây dựng, là động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội và điều kiện phát triển nhanh chóng hơn. Chính nhờ sự phát triển thủy lợi mang tính chiến lược, cùng với ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật và động lực phát triển khác, ĐBSCL đã đưa sản lượng lúa từ 4,6 triệu tấn năm 1975 lên 16,7 triệu tấn năm 2000; 21,6 triệu tấn năm 2010 và 25 triệu tấn năm 2014, tạo những bước nhảy vọt mang tầm vóc lịch sử.
Song, với những biến động thiên nhiên và thị trường trong những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất với quy mô lớn và rộng khắp từ năm 2001 đến nay, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác phát triển thủy lợi. Những vấn đề đó không chỉ là những bài toán đặt riêng ngành thủy lợi, như kiểm soát lũ, cấp nước, tiêu nước, kiểm soát mặn, phòng chống xói lở bờ... mà còn là sự phối hợp để giải bài toán đa mục tiêu với thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp, dân cư, giao thông, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp... và đặc biệt là phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ).
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét và diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên 2 yếu tố dòng chảy từ thượng lưu và nước biển dâng. Nếu như tác động của BĐKH lên giá trị trung bình xảy ra từ từ, phải mất hàng chục năm, thì tác động lên các giá trị cực trị xảy ra nhanh và ngày càng khốc liệt hơn. Trong 15 năm qua, ĐBSCL đã xuất hiện 3 năm lũ lớn liên tiếp là 2000, 2001 và 2002 (trong đó lũ năm 2000 được xem là lũ lịch sử) và lũ lớn năm 2011; 8 năm liền (từ 2003-2010) có lũ dưới trung bình và nhỏ (trong đó có lũ năm 2008 và 2010 là 2 năm lũ nhỏ lịch sử); 8 năm liền dòng chảy kiệt dưới trung bình (trong đó năm 2004, 2008 và 2010 là những năm thấp hơn cả, gây hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn sâu); bão lớn đổ bộ vào 2 năm 1997 (Linda) và 2006 (Durian); xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi với số lần tăng hơn (trên sông Tiền các năm 2001, 2002, 2004, 2005, 2011, sông Hậu các năm 2009, 2010 và ven biển Cà Mau 2 năm gần đây); cháy rừng lớn xảy ra vào năm 2002 ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng; ngập úng do triều cường ngày càng tăng ở nhiều đô thị và khu dân cư ven biển. Ba năm gần đây, từ 2012-2015, ĐBSCL lũ nhỏ và dòng chảy kiệt dưới trung bình, mưa đầu mùa diễn biến phức tạp, khiến xâm nhập mặn và hạn hán càng thêm nghiêm trọng.
Để phát triển bền vững ĐBSCL, việc nghiên cứu các giải pháp đồng bộ nhằm đối phó các thảm họa liên quan đến nước là vô cùng quan trọng. Các giải pháp này được thực hiện ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, tương ứng với toàn lưu vực sông Mê Công, toàn vùng ĐBSCL và từng khu vực cụ thể.
1. Đối với quy mô toàn lưu vực sông Mê Công:
Giải pháp đồng bộ nhằm đối phó các thảm họa liên quan đến nước cho vùng ĐBSCL bao gồm hàng loạt các hoạt động đã được xem xét và chỉ ra trong Quy hoạch Tổng thể Lưu vực sông Mê Công (BDP), trong đó, ưu tiên các giải pháp kiểm soát 3 yếu tố chính liên quan đến nước ĐBSCL là lũ, kiệt và chất lượng nước. Để giảm lũ cho ĐBSCL, điều cơ bản nhất vẫn là duy trì và tăng diện tích rừng ở thượng lưu, có chế độ vận hành hợp lý hệ thống hồ chứa thủy điện các cấp trên dòng nhánh và dòng chính, đặc biệt các thủy điện trên sông Lang Cang (thượng nguồn sông Mê Công), thủy điện ở các nước Lào, Thái Lan và Việt Nam. Lũ lớn là nguy cơ đối với ĐBSCL, nhưng lũ nhỏ và không lũ lại là nguy cơ cao hơn. ĐBSCL không thể phát triển nếu không có lũ. Nếu hệ thống hồ chứa ở thượng lưu Mê Công biến lũ trung bình thành lũ nhỏ và lũ nhỏ thành không lũ cho ĐBSCL thì đó là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định và phát triển của đồng bằng này.Việc trữ lũ và điều tiết không hợp lý cũng sẽ gây nguy cơ đối với dòng chảy kiệt xuống ĐBSCL. Về nguyên lý, khi có hồ chứa trữ lũ vào mùa mưa thì tăng dòng chảy kiệt vào mùa khô. Song, thực tế cho thấy với những năm khô hạn và lũ cực nhỏ, thì dòng chảy kiệt xuống hạ lưu không những không tăng mà còn giảm. Trong điều kiện hiện nay, ĐBSCL không thể chống chịu được khi dòng chảy kiệt giảm hơn 30% so với trung bình. Ngoài ra, việc hình thành quá nhiều hồ chứa thủy điện ở thượng lưu cũng gây nên nguy cơ cao, đó là làm thay đổi hàm lượng và tổng lượng phù sa vào ĐBSCL, tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái trên lưu vực. Việc thay đổi cơ chế dòng chảy lũ (đặc biệt là lũ đầu mùa), cộng thêm tương tác với Biển Hồ (Campuchia) trong điều kiện vận hành hệ thống hồ chứa thủy điện, khiến hàm lượng và tổng lượng phù sa xuống hạ lưu giảm, gây nên hiện tượng xói lở nghiêm trọng bờ sông và bờ biển ĐBSCL trong những năm gần đây. Xem xét giảm xây dựng các hồ thủy điện, đặc biệt hồ trên dòng chính, phối hợp vận hành hợp lý hệ thống hồ chứa trên toàn lưu vực để đảm bảo dòng chảy lũ và dòng chảy kiệt ổn định, tăng hàm lượng phù sa cho ĐBSCL là giải pháp đồng bộ hiệu quả nhất ở quy mô lưu vực Mê Công.
2. Đối với vùng ĐBSCL:
Giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho ĐBSCL phải được xem xét trong bối cảnh phát triển thượng lưu, dựa vào điều kiện tự nhiên, tận dụng được những lợi thế của tài nguyên thiên nhiên với sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, giải pháp cũng phải đáp ứng được các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu-nước biển dâng và “mềm dẻo” để dễ điều chỉnh, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất dựa vào thị trường khi cần thiết.
a. Giải pháp cho vùng ngập lũ ĐBSCL:
Lũ có tác động tích cực lẫn tiêu cực, vì vậy, chiến lược quản lý và giảm thiểu lũ cho ĐBSCL là “chủ động sống chung với lũ”, tận dụng tối đa những mặt lợi của lũ như nguồn lợi phù sa, thủy sản và vệ sinh đồng ruộng, giảm tối thiểu những bất lợi từ lũ như phá hoại mùa màng, cơ sở hạ tầng. Những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng, đường xá và vườn cây ăn trái được áp dụng các giải pháp kiểm soát lũ cả năm. Đối với sản xuất nông nghiệp, vùng ngập sâu chỉ kiểm soát lũ sớm (lũ tháng Tám) để thu hoạch an toàn lúa hè thu, vùng ngập nông áp dụng các giải pháp kiểm soát lũ cả năm. Đa dạng hoá mùa vụ: giới hạn diện tích lúa vụ ba, tăng diện tích hai vụ lúa+thủy sản và hai vụ lúa+màu.
b. Giải pháp cho vùng ven biển:
Vùng ven biển bao gồm 3 vùng sinh thái: (1) vùng sinh thái nước ngọt, (2) vùng sinh thái nước mặn lợ, và (3) vùng sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Vùng sinh thái nước mặn lợ thích hợp nhất cho nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình nuôi trồng thuỷ sản phổ biến ở ĐBSCL bao gồm nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, luân canh tôm-lúa, và rừng ngập mặn+tôm.
+ Vùng sinh thái nước ngọt nằm ở giữa hai vùng ngập lũ và mặn. Đây là vùng có tiềm năng phát triển nhất, đặc biệt là cây ăn quả, song nếu không có giải pháp hợp lý thì nguy cơ ngập lũ hóa hay mặn hoá, khô hạn hóa là rất cao. Do vậy, giải pháp cơ bản cho vùng này là tăng cường dòng chảy vào nội đồng trong mùa kiệt, xây dựng hệ thống công trình nhằm ổn định nguồn nước phục vụ tốt nhất cho 3 mục tiêu là sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển cây ăn quả.
+ Vùng sinh thái nước mặn lợ ven biển vừa phát triển theo hướng thích nghi, vừa đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và từng bước cho sản xuất. Đây là vùng phát triển thủy sản mặn/lợ chính ở vùng ĐBSCL. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở các quy mô khác nhau thích ứng cho từng khu vực. Các giải pháp thủy lợi tập trung cho cấp nước ngọt, tiêu thoát nước mưa, cấp nước mặn/lợ và thoát nước ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản.
+ Vùng sinh thái rừng ngập mặn ven biển đang bị xói lở nghiêm trọng, đã trở thành một trở ngại đáng kể cho việc cải thiện sinh kế của người dân ở khu vực ven biển của ĐBSCL. Vì vậy, việc phòng chống xói lở bờ biển và ổn định đường bờ biển được coi là mục tiêu quan trọng nhất trong kế hoạch hiện tại. Theo khảo sát, nếu chiều rộng vành đai rừng ngập mặn khoảng 300-500m, chiều cao sóng sẽ giảm 70% và trong nhiều trường hợp là nhỏ hơn 0,3 m. Rõ ràng, chiều rộng tối thiểu 500m của rừng ngập mặn ở phía trước đê biển được xem là giải pháp phù hợp để phòng chống xói lở bờ biển. Vì vậy, để khôi phục, duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, thì những giải pháp để giảm sóng và tạo bãi bồi phù hợp với từng vùng cần được nghiên cứu đề xuất.
Tuy nhiên, dù có phát triển hệ thống công trình tốt đến đâu, nếu không có giải pháp phi công trình thì không thể mang đến hiệu quả cao nhất có thể. Giải pháp phi công trình cho toàn vùng ĐBSCL sẽ bao gồm các phương án sản xuất thích nghi (bố trí thời vụ, kỹ thuật canh tác, lai tạo giống, chuyển đổi cây/con...) trong điều kiện gia tăng các thảm họa về nước, đặc biệt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tuyên truyền, giáo dục người dân biết cách vượt qua các thảm họa, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất (người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật...); Xây dựng các khu dân cư tập trung có khả năng ứng phó cao với thảm họa; tăng cường hệ thống kết nối và cơ sở hạ tầng để giúp người dân phòng tránh hiệu quả khi gặp thảm họa; Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, cứu nạn, cứu trợ trước, trong và sau thảm họa.
ĐBSCL liên kết với nhau chặt chẽ bằng hệ thống kênh rạch, có tính đồng bộ cao, vì thế hiệu quả của hệ thống công trình thuỷ lợi chỉ có thể phát huy khi được đầu tư và xây dựng đồng bộ. Sự đồng bộ cao phải được hiểu cả trong đầu tư vốn xây dựng công trình, sự đồng tâm của người dân và các cấp chính quyền trong đền bù giải phóng mặt bằng, trong đầu tư công trình cấp 3 và nội đồng, trong quản lý và vận hành toàn hệ thống, trong giám sát diễn biến môi trường nước và điều chỉnh sử dụng đất-nước một cách hợp lý và hiệu quả... Các công trình đã và sẽ xây dựng ở ĐBSCL phải được rà soát chặt chẽ, song song với xây dựng hệ thống công trình là xây dựng quy trình quản lý và vận hành hệ thống để có thể phục vụ một cách tối ưu bài toán đa mục tiêu, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất và ứng phó với những diễn biến bất thường của BĐKH-NBD.
Để phát triển bền vững và có sự hỗ trợ ngày càng tốt hơn, cần phối hợp chặt chẽ hơn với các nước thượng lưu thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) trong các chương trình liên quan đến BĐKH, trong sử dụng và phân chia hợp lý nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước mùa kiệt, trong quản lý và giảm nhẹ lũ, trong quản lý và bảo vệ môi trường (đặc biệt là những vấn đề xuyên biên giới), trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng, khu vực và toàn lưu vực vì một lưu vực sông Mê Công hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Theo: Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.
Nguồn: https://siwrp.org.vn/tin-tuc/cac-giai-phap-tong-the-thuy-loi-phat-trien-dong-bang-song-cuu-long_296.html