[BÁO GIAO THÔNG] TP.HCM ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ 6 DỰ ÁN BOT HƠN 97.000 TỶ ĐỒNG (01/02/2023)
Sở GTVT TP.HCM đề xuất 6 dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở KH&ĐT TP.HCM về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, trong đó có đề cập về các dự án BOT trên địa bàn.
Quốc lộ 13 đoạn từ TP.HCM đi Bình Dương được đề xuất nâng cấp theo hình thức BOT.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất 6 dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ) hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT.
Cụ thể các dự án gồm: QL1 (đoạn An Lạc - ranh Long An), cải tạo - nâng cấp QL22, QL13, dự án kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3, trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước), đường động lực (đường song song QL50). Theo đề xuất của Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho 6 dự án BOT là 97.125 tỉ đồng.
Các dự án gồm: QL1 đoạn An Lạc - ranh Long An dài 9,6km, hiện trạng mặt cắt ngang đường 19m (4 làn ô tô, 2 làn xe máy), tổng mức đầu tư dự án 12.876 tỉ đồng. Cải tạo, nâng cấp QL22. Quy mô đầu tư cải tạo, nâng cấp với chiều dài 9,1km, rộng 39,5m, xây dựng hai cầu vượt, dự kiến đầu tư dự án: 1.200 tỉ đồng. Mở rộng quốc lộ 13 đoạn nội thành - ranh Bình Dương, chiều dài 5,8km. Lộ giới theo quy hoạch 40 - 60m; dự kiến đầu tư 12.192 tỉ đồng.
Dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3, chiều dài 9,7km. Lộ giới theo quy hoạch 60m, dự kiến đầu tư 13.837 tỉ đồng.
Trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) chiều dài 26,8km. Lộ giới theo quy hoạch 40-60m; với số tiền khoảng 54.204 tỉ đồng.
Cuối cùng là đường động lực (đường song song QL 50), chiều dài 5,8km. Lộ giới theo quy hoạch 40m; quy mô đầu tư 40m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 3.816 tỉ đồng.
Sở GTVT cho rằng việc xem xét làm 6 dự án BOT nói trên không làm thay đổi thủ tục hành chính theo quy định do chỉ mở rộng đối tượng áp dụng hình thức hợp đồng BOT theo quy định của Luật PPP.
Phạm vi áp dụng nội dung cơ chế, chính sách chỉ xác định trên địa bàn TP.HCM. Trường hợp cơ chế thí điểm được áp dụng hiệu quả trên địa bàn TP.HCM sẽ là mô hình được nhân rộng và sẽ là cơ sở cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của luật đầu tư theo phương thức PPP.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-de-xuat-dau-tu-6-du-an-bot-hon-97000-ty-dong-d580576.html