[BÁO ĐẤU THẦU] KHI HỒ SƠ NHÂN SỰ CHỦ CHỐT BỊ “LUỘC LẠI” (04/07/2023)
(BĐT) - Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trong công tác đấu thầu ở nhiều địa phương thời gian qua, ngoài tình trạng nhân sự sử dụng bằng cấp, chứng nhận giả, còn bùng phát hiện tượng “nhận vơ” nhân sự. Nhiều nhân sự trình độ cao, kinh nghiệm dày dặn trong 1 lĩnh vực nào đó không hề hay biết rằng mình đã được kê khai trong hồ sơ dự thầu (HSDT) để tô vẽ năng lực, kinh nghiệm cho những nhà thầu… không hề liên quan.
Năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo đảm chất lượng, tiến độ gói thầu, dự án. |
Bất ngờ khi được… xác minh
Tại Gói thầu Số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tỉnh Đồng Tháp năm 2021, ngay khi Chủ đầu tư công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ông NĐP đã có văn bản về việc đơn vị trúng thầu làm giả hợp đồng, sử dụng trái phép bằng cấp, chứng chỉ, kê khai gian dối kinh nghiệm các dự án mà cá nhân này chưa từng tham gia để dự thầu, trúng thầu. Trong lĩnh vực lưu trữ, số hóa, ông NĐP được đánh giá là nhân sự nhiều kinh nghiệm, có nhiều bằng cấp phù hợp.
Theo ông ĐNP, trong thời gian đánh giá HSDT, đơn vị tư vấn đã liên hệ để xác nhận thông tin nhân sự chủ chốt liên quan. Cụ thể là việc nhà thầu trúng thầu kê khai hợp đồng lao động không thời hạn với ông ĐNP về việc làm chuyên viên chỉnh lý với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Nhà thầu kê khai cá nhân ĐNP từng tham gia nhiều hợp đồng. Tuy nhiên, ông ĐNP khẳng định, cá nhân ông chưa từng ký hợp đồng lao động cũng như hợp tác với nhà thầu này. Ông ĐNP đã có văn bản gửi Chủ đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Tháp để phản ánh thông tin, đồng thời đề nghị điều tra dấu hiệu làm giả hồ sơ và kê khai gian dối của Nhà thầu.
Thông tin đến Báo Đấu thầu, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, tại một số gói thầu phát sinh kiến nghị phức tạp, nổi lên câu chuyện nhân sự chủ chốt được kê khai trong HSDT khẳng định không liên quan đến các đơn vị dự thầu. “Quy định đấu thầu không bắt buộc nhà thầu và người lao động phải có giao kết bằng hợp đồng lao động (ngắn hoặc dài hạn). Đây là nội dung để tạo tính chủ động, linh hoạt cho nhà thầu khi huy động nhân sự. Tuy nhiên, giữa nhà thầu (đơn vị sử dụng lao động) và nhân sự chủ chốt (người lao động) phải có các giao kết khác như hợp đồng hợp tác, hợp đồng bán thời gian. Và quan trọng nhất, khi dự thầu, nhà thầu phải chứng minh được khả năng huy động nhân sự của mình. Do đó, khi chính nhân sự chủ chốt khẳng định không biết hoặc không liên quan đến nhà thầu thì rõ ràng, việc kê khai nhân sự của nhà thầu hoàn toàn có vấn đề”, đại diện Sở KH&ĐT Tiền Giang phân tích.
Nhiều trường hợp nhân sự chưa từng ký hợp đồng lao động cũng như có quan hệ hợp tác nhưng vẫn được nhà thầu kê khai để làm đẹp hồ sơ dự thầu. |
1 nhân sự, 2 nhà thầu nhận vơ?
Phản ánh đến phóng viên, ông VSKT (sinh năm 1981), một chỉ huy trưởng công trình tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, có kinh nghiệm lâu năm và từng đảm nhận vị trí này tại nhiều công trình giao thông hạng II cho biết, việc bị mượn danh, mượn bằng cấp của nhân sự trong lĩnh vực xây dựng rất phức tạp. “Qua các kênh thông tin từ đồng nghiệp, ít nhất hiện tại tôi nhận thấy cá nhân mình đang bị 2 nhà thầu mạo danh để dự thầu”, ông VSKT cho biết.
Cụ thể, tại bảng công bố công khai thông tin của một công trình giao thông trị giá 161 tỷ đồng tại tỉnh Long An, ông VSKT được một nhà thầu không liên quan (địa chỉ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đặt ở chức danh chỉ huy trưởng. “Sở dĩ thông tin về năng lực, kinh nghiệm và bằng cấp của tôi bị nhà thầu này nắm rõ do thời điểm năm 2016 - 2017, tôi đảm nhận vị trí chỉ huy trưởng tại gói thầu mà nhà thầu này giữ vai trò giám sát thi công. Đến nay, khi tham gia với vai trò nhà thầu thi công, họ sử dụng luôn hồ sơ của nhân sự từng được họ giám sát”, ông VSKT cho biết.
Hồ sơ năng lực của kỹ sư VSKT còn xuất hiện trong hồ sơ năng lực của một nhà thầu xây dựng có địa chỉ tại quận Tân Phú (TP.HCM) với vị trí kỹ thuật công trường.
Khi liên hệ với 2 nhà thầu này, phóng viên đều nhận lại sự lảng tránh, từ chối trả lời.
Theo một chuyên gia đấu thầu, hiện nay, trừ lĩnh vực mua sắm hàng hóa (không yêu cầu nhân sự chủ chốt đối với mặt hàng thông dụng, sẵn có, không có yếu tố chuyển giao, đào tạo), đối với tất cả các lĩnh vực khác (gồm dịch vụ phi tư vấn, tư vấn, xây lắp), vai trò của nhân sự chủ chốt đều rất quan trọng. “Chính phủ và các bộ, ngành đang siết chặt công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn (gồm lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát...) để nâng cao hiệu quả dự án đầu tư. Riêng với gói thầu xây lắp, nhân sự chủ chốt như vị trí chỉ huy trưởng, kỹ thuật thi công được đánh giá là rất quan trọng đối với việc thực hiện dự án. Do đó, các cấp người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu cần kiên quyết, mạnh tay để sàng lọc những nhà thầu yếu kém, mạo danh nhân sự chủ chốt trong HSDT. Cần có những động thái xử lý triệt để với từng hành vi gian lận, tô vẽ nhân sự nhằm tăng tính răn đe với các nhà thầu khác”, vị chuyên gia đề xuất.
Nguồn: https://baodauthau.vn/khi-ho-so-nhan-su-chu-chot-bi-luoc-lai-post140556.html